Hiện nay có nhiều người bị loãng xương cần điều trị bằng thuốc. Song do phải điều trị lâu dài nên nhiều bệnh nhân đã tự ý dừng thuốc, uống thuốc không liên tục… nên bệnh không đỡ, thậm chí gặp nhiều tác dụng không mong muốn.
Bệnh loãng xương là bệnh lý mạn tính của xương, nguyên nhân chưa rõ nhưng có liên quan nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, nội tiết tố, đặc biệt là estrogen từ buồng trứng, chế độ ăn uống và tập luyện, các bệnh tật đi kèm, thuốc men đang dùng… Cách điều trị hiện nay cũng rất đa dạng, gồm nhiều biện pháp và có nhiều loại thuốc đã và đang được sử dụng.
Các biện pháp không dùng thuốc
Biện pháp điều trị ngoài thuốc là bước cơ bản được thực hiện xuyên suốt từ khi bệnh nhân (BN) có nguy cơ loãng xương cho đến khi thực sự bị bệnh. Tại sao lại cần áp dụng các biện pháp này sớm và tại sao nó chỉ giúp ngăn ngừa chứ không thể chặn đứng tiến trình xuất hiện của bệnh? Bệnh loãng xương là một quá trình diễn tiến do nhiều yếu tố góp phần và gần như là tất yếu của đời sống động vật, do đó chúng ta chỉ có thể can thiệp vào một vài yếu tố gây bệnh mà thôi.
Bệnh loãng xương diễn biến âm thầm và thường lộ diện sau khi BN đã bị hậu quả của bệnh, đó là gãy xương và điều này dẫn đến tử vong trên khoảng 20 – 30% BN trong vòng một năm sau khi gãy xương. Do đó, mục tiêu chính của việc phòng ngừa và điều trị là phòng chống biến chứng gãy xương do loãng xương.
Dùng thuốc trị loãng xương để phòng gãy xương.
Quay trở lại với vấn đề điều trị ngoài thuốc, việc trị liệu bao gồm nhiều “mặt trận”.
Trước hết, về mặt tâm lý xã hội, người dễ có nguy cơ loãng xương sớm là nữ giới sau tuổi mãn kinh hay mãn kinh sớm, làm công việc văn phòng hoặc ít có điều kiện hoạt động thể lực ngoài trời, trong gia đình đã có bà, mẹ, cô, dì hay chị em bị loãng xương… Bệnh nhân loãng xương hoặc có nguy cơ loãng xương cần được xã hội, gia đình và chính bản thân quan tâm chú ý đến sức khỏe của bộ xương.
Vấn đề dinh dưỡng là việc chúng ta có thể làm tốt từ khi còn trẻ và cũng là nền tảng trong chữa trị. Một chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D là cơ sở để xây dựng nền móng cho một bộ xương chắc khoẻ. Điều này cần được thực hiện ngay từ khi đứa trẻ bắt đầu ăn thức ăn bổ sung. Các thức ăn bổ sung canxi tốt nhất là từ nguồn sữa động vật (sữa, sữa chua, phômai…). Vitamin D có nhiều trong lòng đỏ trứng, gan, cá biển, ngũ cốc… khi vào cơ thể, vitamin D được dự trữ dưới da và cần có sự tác động của ánh sáng mặt trời để trở thành vitamin D dạng hoạt động. Nếu vì một lý do nào đó không đảm bảo lượng canxi, vitamin D theo nhu cầu hàng ngày, có thể dùng bổ sung thêm các loại thuốc canxi, vitamin.
Tập luyện thể lực vừa sức cũng là một yêu cầu trong điều trị loãng xương, sau tuổi trưởng thành, chúng ta bị mất xương hàng ngày và bản thân việc bất động hay lối sống ít hoạt động cũng gây mất xương nhiều thêm. Những bài tập được khuyến cáo theo từng lứa tuổi và khả năng hoạt động. Nó giúp cho nguời bệnh tăng cường sự vững chắc xương, giữ thăng bằng tốt, giảm bớt té ngã chấn thương.
Biện pháp dùng thuốc trị
Thuốc điều trị được chia thành hai nhóm: nhóm chống quá trình hủy xương và thuốc tăng quá trình tạo xương. Trên thực tế, hầu hết các loại thuốc đang sử dụng đều thuộc nhóm chống huỷ xương. Thuốc alendronate + vitamin D (fosamax plus) là một loại thuốc rất phổ biến thuộc nhóm chống hủy xương. Về nguyên tắc, thuốc được khuyến cáo dùng liên tục trong ít nhất 3 năm và kéo dài tối đa 5 năm, nếu không có các chống chỉ định hoặc tác dụng phụ cần ngưng thuốc như suy thận, viêm thực quản đang tiến triển, hoại tử xương hàm, bệnh lý tim mạch nặng,… Việc dùng thuốc liên tục giúp cho hiệu quả bảo vệ xương được đầy đủ, ngược lại, việc uống cách khoảng lại làm giảm tác dụng của thuốc khá nhiều. Thậm chí trong một số nghiên cứu đã chứng minh khi BN bỏ liều cách khoảng 50% hiệu quả bảo vệ xương chỉ còn 10%! Trong quá trình điều trị, BN cần được thăm khám định kỳ để đánh giá tình hình. Sau khi điều trị 5 năm, BN được khám và đánh giá lại để quyết định tiếp tục, ngưng hoặc thay đổi phương thức điều trị.
Ngoài ra, còn một số tác dụng phụ chung nhưng hiếm gặp của các thuốc nhóm bisphosphonate là: hoại tử xương hàm, rung nhĩ,… Riêng thuốc dùng đường uống thường có một số rối loạn tiêu hóa như nuốt khó, viêm thực quản, viêm dạ dày…
Tóm lại, khi bị loãng xương người bệnh cần dùng thuốc liên tục và được các bác sĩ chuyên khoa xương khớp theo dõi, tư vấn đầy đủ. Người bệnh cần có chế độ ăn uống (hoặc dùng thêm nếu cần) lượng canxi và vitamin D đầy đủ (250ml sữa tươi cung cấp khoảng 300mg canxi nguyên tố), nếu là người khoẻ mạnh có chế độ ăn tốt thì chỉ cần cung cấp thêm 1-2 khẩu phần sữa như trên hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh nên có những buổi tập vận động ngoài trời 4 – 5 lần/tuần với thời lượng 30 – 60 phút, cường độ vừa phải tùy theo sức khoẻ hiện tại của mình.
Theo suckhoedoisong
<