Thủy đậu và sởi là hai bệnh do virut gây ra. Bệnh gây tổn thương cơ bản trên da, nhưng bệnh là bệnh chung của nhiều chuyên khoa: da liễu, nội nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt và cả mắt nữa. Phần lớn là lành tính.
<
Tuy nhiên, có thể gặp một số biến chứng nặng trong đó có tổn thương mắt. Dù là y tế đã đẩy mạnh việc tiêm chủng dự phòng và các bậc cha mẹ cũng tích cực hưởng ứng, nhưng bệnh vẫn cứ xảy ra do: Các cháu bị bỏ sót, không được tiêm chủng; Tiêm chủng rồi nhưng vẫn bị do các cháu yếu hoặc miễn dịch kém. Với trường hợp này, bộ mặt lâm sàng của bệnh thường nhẹ hơn, lành hơn.
<
Tổn thương thủy đậu ở mắt
<
Mụn phỏng thủy đậu mọc trên da lưng, bụng, chân tay, trên da mặt, da mi mắt và cả bờ chân lông mi. Khi mụn vỡ, dịch viêm của nó dây vào mắt gây viêm kết mạc. Đặc biệt là các mụn ở bờ hai mi, khi vỡ, loét ra, sau một đêm ngủ dậy, tế bào ổ loét dễ bắt tay nhau, làm dính dần hai bờ mi với nhau (kiểu vá săm xe). Nay một tý, mai một tý sẽ làm dính lấp khe mi. Có cháu sau khi khỏi thủy đậu phải đến khoa mắt làm phẫu thuật mở tách khe mi (không đơn giản, dễ rủi ro nếu sơ ý làm tổn thương giác mạc hoặc nhãn cầu, nhất là trên mắt của trẻ nhỏ chưa có ý thức phối hợp). Cho nên, khi trẻ nhỏ bị thủy đậu, bố mẹ, người chăm sóc trẻ phải nhớ dùng thuốc tra mắt cho trẻ (dùng dung dịch cloroxit 4% hoặc natriclorua 9%0). Nhỏ thuốc mắt cho cháu ngày 2 lần sáng, tối. Và nhớ, cũng vài lần dùng hai ngón tay cái, vành mở mắt giúp cháu, đặc biệt là sau một đêm ngủ dậy vì trong đêm ngủ, các tế bào ổ loét của mi trên và mi dưới đã dính nhau.
<
<
Virut Varicella zoster gây bệnh thủy đậu (ảnh nhỏ) và tổn thương do thủy đậu trên da (ảnh lớn).
Với bệnh sởi
<
Mụn ban sởi đâu chỉ mọc trên da. Chúng còn mọc cả trên niêm mạc miệng, họng, đường thở và kết mạc mắt. Ngay từ lúc nung bệnh, trẻ đã có viêm long kết mạc, làm mắt hoe đỏ, lèm nhèm. Hằng ngày, cần nhỏ thuốc mắt bằng dung dịch muối sinh lý hoặc cloroxid 4% để tránh nhiễm khuẩn gây tổn hại cho giác mạc mắt. Sau khi sởi lui, trẻ dễ bị các biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, lỵ. Nếu kéo dài dẫn đến sự kém hấp thu vitamin A. Do đó, trẻ dễ bị chứng khô nhuyễn giác mạc suy dinh dưỡng, dễ gây mù mắt, đặc biệt biến chứng cam tẩu mã (đục thủng cả má, loét lợi, mất một phần môi trông như sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh). Đây là hiện tượng hoại tử tổ chức hoặc do vi khuẩn kỵ khí nếu răng miệng không được sạch, tỳ má quá lâu trên gối cứng gây khiếm khuyết cho vùng má, miệng. Cho nên, trong quá trình trẻ bị sởi, cần phải làm sạch răng miệng cho trẻ hằng ngày, năng thay đổi thế tỳ má của trẻ lúc nằm, ngày vài lần xoa nhẹ trên vùng môi, má của trẻ để tuần hoàn máu thông suốt.
<
Mấy lời khuyên về kết hợp đông tây y
<
Với thủy đậu:
<
Hằng ngày, tắm rửa cho trẻ với nước đun sôi, để âm ấm, sau đó thấm da cho khô sạch, chấm dung dịch xanh mê-ty-len vào các chỗ tổn thương. Nếu có thể, sau khi tắm rửa với nước sạch, bạn tắm tráng lần cuối cho trẻ với nước sắc của cây phỏng rạ (cỏ chân vịt), các nốt loét sẽ se miệng, liền sẹo, khô sạch một cách nhanh và tốt bất ngờ.
<
Với sởi:
<
Trong quá trình mọc sởi và mới lui sởi, nên cho cháu uống nước ép lá dấp cá (hai lạng lá tươi, chần tái bằng nước sôi, giã lọc lấy nước cho uống). Loại lá này có chất kháng sinh, diệt khuẩn như vừa có chất quercitrine lợi tiểu, giúp bài thải các phức hợp miễn dịch (complex imuns). Các phức hợp này khi đọng vào phổi, thận, niêm mạc ruột, mắt dưới dạng màng nhỏ, sợi nhỏ, hạt nhỏ, chấm nhỏ có thể làm tổn hại các cơ quan này. Về ăn uống, ngoài việc cho trẻ dùng hoa quả, vitamin C, A, bạn nên cho trẻ ăn canh gan nấu với lá dâu non. Gan có vitamin A và lá dâu tốt cho dinh dưỡng da.
<
Theo suckhoedoisong